Tiết trời giao mùa kèm theo những đợt mưa ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để côn trùng sinh sôi và hoành hành, đặc biệt là với loài vắt. Sinh vật này tuy không gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe của con người nhưng lại là nỗi ám ảnh của rất nhiều người đi rừng. Trong bài viết hôm nay, Vân Hồ Agritage sẽ cùng các bạn đi tìm hiểu về loài vật này cũng như những kinh nghiệm phòng chống và cách xử lý tình huống khẩn cấp khi bị vắt cắn nhé!
Đôi nét về loài vắt
Vắt là sinh vật thuộc họ đỉa nên thường có những đặc điểm và hình dạng giống loài đỉa. Đây là loài sinh vật nhỏ, có trọng lượng trung bình 100mg, dài khoảng 2-5cm, có giác bám ở đầu và đuôi. Loài vắt thường sống tập trung ở những nơi có đường mòn, lạch nhỏ, các hốc cây, hố trũng và sinh trưởng mạnh trong điều kiện ẩm ướt với nhiệt độ từ 25-28°C. Vì thế chúng thường đi tìm mồi trong khoảng thời gian từ 5-8h sáng hoặc 17-19h tối khi trời đã chuyển mát. Bởi đặc tính chịu lạnh kém nên những nơi có nhiệt độ cao hơn trên cơ thể người như phần sau gối, đùi, bẹn, lưng, nách, cổ…thường là nơi “lý tưởng” để vắt hút máu.
Vắt có thể đánh hơi và cảm nhận được tiếng động, khi cắn người bao giờ chúng cũng sẽ bám và bò đến nơi không vướng quần áo hoặc nơi có da non để tiến hành hút máu. Nếu chẳng may bị vắt bám lên người thì bạn cần phải nhanh chóng gỡ chúng ra, một khi đã xác định được mục tiêu, chúng sẽ tấn công rất dứt khoát, các gờ răng trong miệng bám chắc vào cơ thể để hút máu. Thông thường vắt mất tầm 1 phút để cắn và thêm 2-3 phút để bắt đầu hút máu. Loài động vật này đốt khá êm nên có thể sẽ rất khó để nhận biết được. Khi hút máu, tuyến nước bọt ở quanh miệng vắt tiết ra chất chống đông máu hirudin làm cho máu không đông được. Vết hút máu trên da thường không đau nhưng sẽ gây chảy máu kéo dài, nếu không xử lý kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi chúng chui vào mũi, khí quản, ống tiêu hóa…
Cách phòng chống vắt
Khi vào rừng, bạn nên lựa chọn những bộ trang phục kín đáo như áo dài tay, quần dài, tất cao cổ có chất liệu dày dặn; không làm hở vùng chân, tay để tránh sự xâm nhập của loài vật hút máu này. Trên thị trường cũng có rất nhiều loại thuốc chống vắt, bạn có thể mua sẵn hoặc chuẩn bị nước muối mặn, những loại chất chống côn trùng có vị đắng để xịt/thoa từ bàn chân cho đến gối (khi thời tiết khô), thậm chí cả phần đùi cho đến hông (khi có mưa), tai, cổ và vai, cánh tay, nách. Ngoài ra, bạn cũng nên bôi ở các khe buộc dây, cổ giày, tất, phần ống quần, vai áo và mũ.
Khi di chuyển, bạn cần lưu ý tránh những nơi rậm rạp, ẩm ướt, hạn chế tiếp xúc da trực tiếp với mặt đất hay nguồn nước sông, suối. Khi ngồi nghỉ chân hay dựng lều, nên chọn chỗ sạch sẽ khô ráo, không nên đứng hay ngồi lâu tại một chỗ.
Xử lý tình huống khẩn cấp khi bị vắt cắn
Nếu chẳng may bị loài vật này cắn, Vân Hồ Agritage gợi ý bạn cách xử lý tình huống khẩn cấp theo những bước sau đây:
- Bình tĩnh rút vòi hút máu của con vắt ra khỏi cơ thể bằng cách dùng đầu ngón tay miết sát da và gạt đầu nhỏ (đầu hút máu) của vắt, sau đó gạt tiếp đầu kia của vắt, rồi vẩy nó đi trước khi nó bám lại vào ngón tay bạn. Trong trường hợp chúng bám quá chặt, bạn nên dùng vật có cạnh mỏng như dao có sẵn để khảy ra hoặc bạn cũng có thể dùng muối để bôi xung quanh vết vắt cắn, chúng sẽ lập tức nhả ra ngay.
- Rửa vết thương bằng nước sạch hoặc nước muối sát khuẩn. Dùng tay ấn chặt vào miệng vết thương để ngăn máu chảy. Sau đó lấy băng gạc y tế băng vết thương lại, đến khi máu ngừng chảy thì dùng những loại thuốc bôi côn trùng cắn để bôi giảm ngứa.
Trên đây là những kinh nghiệm xử lý tình huống khẩn cấp khi bị vắt cắn mà Vân Hồ Agritage muốn chia sẻ đến bạn. Hy vọng bạn sẽ thấy những thông tin này hữu ích!