Những người già ở vùng núi Tây Bắc kể lại, xưa có vị quan lang nổi tiếng giàu có mắc bệnh lạ (đi tiểu nhiều, cân nặng tăng đột biến, mắt mờ, chân tay tê nhức). Ông cho người đi khắp nơi tìm thuốc chữa nhưng không khỏi. Một lần, trên đường đi làm việc, vị quan nọ bị lạc giữa rừng già. Trong lúc tìm đường ra, đói, khát, ông gặp một thung lũng xanh tươi, đồng ruộng chĩu những bông lúa vàng óng ả. Ruộng lúa toả ra hương thơm ngọt lịm mà trước đó ông chưa từng ngửi thấy. Những hạt thóc to, dài khác thường, ở đuôi, hạt nào cũng mọc thêm một cái râu rất dài. Ông liền bứt những bông lúa lạ ăn cho qua cơn đói. Và dựng một cái lều nhỏ, ở lại dưỡng sức.

Sau hai tuần trăng, thu hái được một lượng lúa đủ dùng, ông tiếp tục hành trình tìm đường về. Nhờ có những hạt thóc giữa rừng già, cuối cùng vị quan cũng tìm được đường về bản. Kỳ lạ thay, khi về đến nhà, cũng là lúc căn bệnh của ông cũng thuyên giảm. Ông cho người nhà trồng cấy giống lúa quý gặp giữa rừng, đặt tên là lúa Tẻ râu – ý chỉ những cái râu dài trên hạt thóc. Và dùng gạo Tẻ râu như một phương thuốc chống đỡ căn bệnh lạ của mình. Những gia đình khá giả khác trong vùng sau khi được ăn cơm gạo Tẻ râu, thấy hạt cơm dẻo, ngọt đậm đà, lại không bị ngấy như ăn cơm nếp cũng xin giống lúa Tẻ râu về trồng.

Ngày nay, gạo Tẻ râu đã trở thành niềm tự hào của người Tây Bắc. Lúa Tẻ râu kén đất, chỉ sinh trưởng và cho chất lượng gạo ngon nhất ở nơi có độ cao từ 400 – 1000m so với mực nước biển. Điều kiện khí hậu ôn hòa (từ 20-23 độ C), bồi thêm nguồn nước suối mát lành từ rừng già (phụ thuộc nhiều vào nước mưa). Sản lượng gạo Tẻ râu chỉ bằng 1 nửa so với các giống lúa dưới xuôi, thời gian canh tác lâu (từ 4 đến tháng 6) nhưng lại cho hạt cơm thơm, dẻo, ngọt đậm từ dưỡng chất của đất rừng. Những người mắc bệnh tiểu đường ở vùng Tây Bắc thường chọn gạo Tẻ râu để ăn như một phương thuốc từ đất mẹ để duy trì lượng đường trong máu ở ngưỡng cho phép.

Gạo đồng rừng Tẻ râu được khôi phục và phát triển thành hàng hoá bởi dự án: “Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển hệ thống thị trường gạo đặc sản tỉnh Sơn La”. Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp và miền núi (ADC) – Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và Doanh nghiệp Xã hội TABA đã hợp tác cùng Chương trình Great của Đại sứ quán Úc để phát triển bền vững gạo đồng rừng Tẻ râu – RUCA. Giống lúa được Trung tâm ADC chọn tạo và phục tráng theo đơn đặt hàng của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Tây Bắc – TABA Agritage.