Giới thiệu Vân Hồ Agritage
Đối với cư dân vùng núi, có cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào rừng, thì giữ rừng, không khai thác rừng tự nhiên, đồng nghĩa với việc họ phải đối diện nhiều hơn với những thách thức về việc làm, an ninh lương thực. Canh tác nông nghiệp không đủ giúp người dân có cuộc sống tốt hơn. Những người dân bản đã phải rời quê hương, di cư ra thành phố tìm việc làm.
Agritage đã đến Bản Bướt từ năm 2019. Đồng hành cùng dân bản và chính quyền địa phương xây dựng Làng nông nghiệp di sản đầu tiên của Việt Nam. Chúng tôi cùng bà con tác nông nghiệp, lâm nghiệp sinh thái, phục hồi những vùng đất dốc bạc màu. Các tri thức bản địa của người Thái, người Mường được lưu giữ và lan toả thông qua các hoạt động canh tác nông nghiệp và du lịch cộng đồng. Dân bản Bướt đang bắt đầu có những cơ hội việc làm ngay tại bản. 59 hộ dân, hơn 200 nhân khẩu ở bản Bướt đã cùng nhau tham gia vào Hợp tác xã Đồng Rừng. Ở Vân Hồ Agritage, chúng tôi đang thực hành 5 tiêu chí quan trọng cấu thành khái niệm một Làng nông nghiệp di sản theo quan điểm của Agritage Việt Nam, đó là:
(I) Sinh kế bền vững và an ninh lương thực
Hiện nay Vân Hồ Agritage đang canh tác lúa đặc sản tẻ râu, lúa nếp nương, các loại hạt bản địa như lạc đỏ, đậu đen lòng xanh và hoa màu khác nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bản và bán nông sản tạo sinh kế và thu nhập. Chúng tôi thành lập Hợp tác xã Đồng Rừng Vân Hồ và phát triển thương hiệu Nông sản Đồng Rừng với hai dòng sản phẩm đặc trưng là Gạo tẻ râu Đồng Rừng và Hạt bản địa Đồng Rừng. Dân bản vừa sử dụng các tri thức cổ xưa của người Thái, người Mường trong cách dẫn nước từ suối về ruộng phục vụ tưới tiêu thông qua hệ thống mương và ống dẫn tre nứa, vừa dùng các loài cây bản địa mọc tự nhiên quanh bản như cây xoan, bồ hòn, ớt, tỏi, gừng để tạo thuốc trừ sâu sinh học và cam kết canh tác nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS – Hệ thống giám sát có sự tham gia. Vân Hồ Agritage là thành viên đầu tiên của PGS Vân Hồ, một hệ thống giám sát có sự tham gia cùng cam kết canh tác nông nghiệp hữu cơ với Hiệp Hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, PGS Việt Nam.
(II) Đa dạng sinh học trong nông nghiệp
Chúng tôi cố gắng làm đa dạng các loài động vật, thực vật, vi sinh vật trong các hoạt động canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, khai thác lâm sản tại bản. Bằng việc duy trì hoạt động canh tác thuận tự nhiên như sử dụng phân bón vi sinh tự chế, trồng các loài cây, cỏ theo hướng cộng sinh, và diệt trừ sâu bệnh theo nguyên lý thiên dịch…đã giúp nông dân tại các làng Nông nghiệp di sản ứng phó với tình trạng khô hạn, sói mòn, sạt lở đất và làm giàu thêm các vi sinh vật trong đất. Mô hình Vườn rừng sinh thái đang được bản áp dụng cho những vùng đất canh tác có độ dốc cao và thường xuyên bị xạt lở, thoái hóa đất. Những nguồn gen bản địa hoặc những nguồn gen quý từ các vùng khác được sưu tầm, lưu giữ và nhân giống tại làng để phục vụ hoạt động canh tác của cộng đồng hoặc chia sẻ cho những vùng khác.
(III) Hệ thống tri thức bản địa trong canh tác nông nghiệp được khôi phục và lưu giữ
Làng nông nghiệp di sản Vân Hồ là nơi sinh sống chủ yếu của người Thái và Mường với nét văn hoá thung lũng đặc trưng. Chúng tôi có kinh nghiệm lâu đời trong việc tận dụng sức nước và điều khiển nguồn nước phục vụ canh tác nông nghiệp. Agritage Việt Nam và cộng đồng đã cùng nhau khôi phục lại và sử dụng các coong nước, mương dẫn nước phục vụ hoạt động canh tác nông nghiệp. Nước còn được người dân dùng làm nguồn phát điện tự nhiên của bản.
(IV) Hệ thống giá trị văn hoá và tổ chức cộng đồng
Tại làng Nông nghiệp di sản, các yếu tố văn hoá cộng đồng được người dân cùng nhau lưu giữ. Chúng tôi phát triển du lịch cộng đồng để người dân vừa có việc làm, tạo thu nhập, vừa tự hào về nguồn cội. Tôn trọng các cấu trúc cộng đồng hiện có và quyền tự chủ cao nhất của cộng đồng bằng cách thành lập các Hợp tác xã cộng đồng với sự tham gia điều hành của dân làng. Hợp tác xã cộng đồng sẽ là tổ chức đại diện cho quyền lợi của dân làng, đứng ra hợp tác với các đối tác khác nhau nhằm tạo cơ hội phát triển cho cư dân Làng nông nghiệp di sản.
(V) Hệ thống cảnh quan đặc trưng
Một làng Nông nghiệp di sản đúng nghĩa còn là nơi lưu giữ được những hệ thống cảnh quan mang đặc trưng của văn hoá cộng đồng. Tại Làng nông nghiệp di sản Vân Hồ, là nơi sinh sống của cư dân Thái với văn hoá thung lũng đặc trưng. Chúng tôi chung sống hài hoà với suối và rừng. Do vậy, trải qua nhiều thế hệ, dân bản vẫn cùng nhau giữ gìn suối cá tự nhiên và rừng già. Đến Làng nông nghiệp di sản Vân Hồ, hệ thống cảnh quan đặc trưng nhất chính là suối nước và rừng già. Những thảm thực vật tầng tầng lớp lớp đặc trưng của rừng nhiệt đới Tây Bắc; những hệ thống hang động được hình thành và tích tụ nhiều năm của quá trình bào mòn bởi dòng chảy của nước và sự vận hành của trái đất. Đặc biệt, dòng suối cá tự nhiên được dân bản đưa vào hương ước bảo vệ vẫn luôn tồn tại như một minh chứng cho sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên của cư dân bản Bướt.