Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, “Vua đầu bếp” Mỹ Christine Hà đã đến tham quan và tìm hiểu mô hình hoạt động của Hợp tác xã Đồng Rừng Vân Hồ tại Vân Hồ Agritage Bản Bướt, cùng phụ nữ dân tộc tại bản nấu các món ăn từ nguyên liệu bản địa.
Ngày 17-18/9, Trung tâm Hợp tác Phát triển Tây Bắc (TABA) phối hợp cùng Doanh nghiệp xã hội (DNXH) Agritage Vietnam, Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức chương trình “Phụ nữ khởi nghiệp: Thách thức và cơ hội tại Việt Nam và Hoa Kỳ” nhằm thảo luận về vai trò của giới trong kinh doanh cũng như những thách thức, cơ hội khi phụ nữ làm chủ.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tạo ra một không gian để các nữ doanh nhân và phụ nữ dân tộc thiểu số có thể trao đổi những cơ hội, thách thức trong quá trình phát triển công việc kinh doanh của mình. Chương trình được truyền cảm hứng bởi câu chuyện khởi nghiệp của Vua đầu bếp Christine Hà và bà Đinh Thị Huyền, nữ giám đốc người dân tộc thiểu số, nhà sáng lập Trung tâm hợp tác phát triển Tây Bắc và là CEO của DNXH Agritage Việt Nam.
Phát biểu tại chương trình, ông Adam Brocks, Phó Tuỳ viên Văn hoá, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết, với quan hệ song phương được nâng cấp từ quan hệ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm Việt Nam gần đây của Tổng thống Joe Biden, việc vun đắp quan hệ giữa nhân dân với nhân dân là một trong những yếu tố then chốt. “Để mở rộng hợp tác như một phần của việc nâng cấp quan hệ song phương và vì lợi ích của người dân hai nước, Đại sức quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cam kết thúc đẩy quyền của các thành viên thuộc nhóm dân số yếu thế, bao gồm phụ nữ và trẻ em gái, các nhóm dân tộc thiểu số và người khuyết tật”, ông Adam Brocks nhấn mạnh.
Chia sẻ tại chương trình, bà Đinh Thị Huyền cho biết, bản thân bà cũng là người dân tộc thiểu số tại Hoà Bình. Từ 2011, bà Đinh Thị Huyền và các cộng sự bắt đầu thực hiện ước mơ, tạo ra tổ chức nơi người dân tộc thiểu số nói lên được tiếng nói của mình và là nơi người dân tộc thiểu số đi hỗ trợ người dân tộc thiểu số cùng phát triển. Chính vì vậy mà Trung tâm hợp tác phát triển Tây Bắc – TABA là một tổ chức khoa học công nghệ của Việt Nam có sứ mệnh đồng hành cùng phụ nữ, ra đời. Trong những năm qua, trung tâm TABA đã đồng hành cùng hơn 10.000 phụ nữ là người dân tộc thiểu số phát triển sinh kế bền vững dựa vào nội lực cộng đồng.
Năm 2015, bà Đinh Thị Huyền bắt đầu khởi sự doanh nghiệp xã hội và bắt đầu câu chuyện của mình, tìm cách để đưa nông sản của bà con vùng Tây Bắc ra Hà Nội bằng cách mở các cửa hàng nông sản sạch.
“Tuy nhiên, chúng tôi nhận ra đó không phải là gốc của vấn đề, chính vì vậy mà năm 2019, chúng tôi quay trở lại các làng bản và tìm ra câu trả lời là ở các làng bản, đóng góp của chúng tôi sẽ hiệu quả hơn nữa khi phụ nữ ở làng bản có công việc và thu nhập ở ngay tại địa phương và làng nông nghiệp di sản được ra đời. Vân Hồ Agritage là tên gọi tiếng Anh của mô hình Làng nông nghiệp di sản do Agritage Việt Nam cùng chính quyền huyện Vân Hồ và người dân bản Bướt cam kết gìn giữ và phát triển. Làng nông nghiệp di sản được đặt tại huyện Vân Hồ, nhằm lưu giữ lại những tri thức bản địa trong canh tác nông nghiệp, những nét ăn, nét ở đặc trưng văn hóa của người Thái và người Mường, những cư dân vùng văn hóa thung lũng đang sinh sống tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La”, bà Đinh Thị Huyền chia sẻ.
Từ năm 2019 đến nay, Agritage Vân Hồ đã đồng hành cùng 58 hộ gia đình người Thái ở Bản Bướt xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ tỉnh Sơn La chuyển đổi mô hình canh tác nông nghiệp có sử dựng hóa chất sang canh tác hữu cơ, xây dựng thương hiệu nông sản và đưa sản phẩm ra thị trường chất lượng cao tại Hà Nội. Du lịch cộng đồng cũng được phát triển với nhiều hình thức trải nghiệm gắn với văn hoá và bảo tồn thiên nhiên. Đến nay, đã hình thành nên vùng canh tác nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn PGS với 12ha lúa và các loại hạt. HTX Đồng Rừng được thành lập và vận hành đón khách du lịch đến thăm bản. Khởi nghiệp cho chị em phụ nữ gắn với định hướng phát triển sinh kế bền vững dựa vào nội lực cộng đồng đã được thực hiện và cho thấy những kết quả cụ thể đối với các hộ nông dân làm du lịch và nông nghiệp.
Là nhân vật truyền cảm hứng, Christine Hà là thí sinh khiếm thị đầu tiên tham gia cuộc thi “Vua đầu bếp” Mỹ,. Chia sẻ tại hội thảo, Christine Hà (tên tiếng Việt là Hà Huyền Trân) cho biết, cô sinh ra và lớn lên tại Mỹ, cha mẹ đều là người Việt. Christine Hà mắc phải căn bệnh hiếm gặp khiến cô mất dần thị lực qua thời gian và cuối cùng, bị mất hẳn thị lực từ năm 2007.
“Vua đầu bếp” được truyền cảm hứng nấu ăn từ mẹ. Mẹ của cô qua đời từ năm cô 14 tuổi nên những món ăn Việt mà mẹ từng nấu cho gia đình thưởng thức đối với cô không chỉ là những món ăn ngon, mà còn là cả một miền ký ức về mẹ.
“Khi mất đi thị lực, tôi rất nhớ món ăn Việt Nam mà mẹ đã từng nấu, từ đó tôi tự mày mò nấu các món ăn. Tôi phải dựa vào những giác quan khác khi nấu ăn như vị giác, khứu giác và xúc giác”, Christine Hà cho biết.
Trong khuôn khổ chương trình, “Vua đầu bếp” Christine Hà đã trổ tài nấu nướng điêu luyện của mình bằng chính những nguyên liệu bản địa như thịt lợn bản, gạo nếp, ngô nếp… để chế biến nên những món ăn đầy hấp dẫn.
“Vua đầu bếp” Christine Hà và tài nấu nướng điêu luyện của cô không chỉ kể câu chuyện vượt qua thử thách của chính cô để trở thành quán quân trong cuộc thi nấu ăn danh giá nhất thế giới mà còn truyền cảm hứng cho người dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ dân tộc Thái và Mường, theo đuổi khởi nghiệp vì cuộc sống tốt đẹp hơn của bản thân và thế hệ mai sau.
Theo: Thu Trang / Báo Tin Tức
https://baotintuc.vn/van-hoa/vua-dau-bep-christine-ha-cung-phu-nu-ban-buot-sang-tao-mon-an-tu-nguyen-lieu-ban-dia-20230918221430909.htm